Patanjali đã tạo ra tám chi của yoga được gọi là ‘ashtanga’, ‘ashta’ nghĩa là tám và ‘anga’ có nghĩa là chi. Tám chi này là một con đường để sống một cuộc sống yoga, và chi thứ ba là thực hành asana.
Bạn thường nghe câu này, "Yoga sẽ thay đổi cuộc sống của bạn!". Bạn bè cũng nói với bạn rằng bạn nên tập yoga.
Vậy điều gì ở các tư thế yoga hay asana này có thể thay đổi cuộc sống của con người?
Mục đích của các tư thế yoga là gì và điều gì sẽ xảy ra khi bạn nắm vững chúng?
Asana đề cập đến các tư thế mà chúng ta thực hành trong yoga. Mục đích của việc này là trau dồi tính kỷ luật và khả năng ngồi thiền thoải mái.
Thông thường khi chúng ta giữ các tư thế trong một thời gian dài sẽ phát sinh sự khó chịu, nó tác động vào tâm trí của chúng ta và gây ra cảm giác bồn chồn. Tuy nhiên, sự bồn chồn này chỉ ở mức độ bề mặt của tâm trí. Đây là tầng tâm trí thấp hơn của chúng ta và liên quan đến những suy nghĩ cơ bản như ăn uống, sinh tồn, sự kích động phát sinh trong mối quan hệ với người khác.
Một khi chúng ta có thể quản lý sự bồn chồn này và làm dịu tầng tâm trí thấp hơn, thì tầng tâm trí cao hơn bắt đầu hé lộ và chúng ta có thể thấy những gì được lưu trữ trong sâu thẳm tâm trí của chúng ta, những gì nằm dưới bề mặt.
Tâm trí thấp hơn là tâm trí có ý thức của chúng ta, tất cả những suy nghĩ trên bề mặt mà chúng ta nghĩ về suốt cả ngày, trong khi tâm trí cao hơn là tâm trí vô thức, hồ chứa rộng lớn bên dưới bề mặt và chứa đựng những ký ức từ khi chúng ta còn nhỏ và từ thậm chí cả từ tiền kiếp.
Yoga sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống, hướng dẫn bạn bước ra khỏi con đường của chính mình và đi trên con đường mà bạn được định sẵn - giáo pháp của bạn. Patanjali đã viết Yoga Sutra, một tập hợp các kinh cung cấp một lộ trình để đạt được tám chi.
Kinh điển liên quan đến asana thường bị hiểu nhầm, có nhiều cách diễn giải, phỏng đoán khác nhau, và đôi khi chúng bị vặn vẹo để phục vụ tư lợi.
Kinh 2.46 cực kỳ quan trọng và là kinh mà các phòng tập yoga hiện đại xây dựng dựa trên đó và nó định nghĩa asana là gì. Kinh này nhắc tới “sthira sukham asanam” và ý nghĩa cơ bản của nó là trạng thái của asana nên tĩnh lặng, thoải mái và là “chỗ ngồi” của bạn.
Lý do số một khiến mọi người không thể thiền định là vì họ không biết cách làm cho tâm trí tĩnh lặng mà luôn cảm thấy bận rộn và dễ bị kích động. Tuy nhiên, Patanjali đã cho chúng ta những công cụ để giúp tâm trí chúng ta trở nên tĩnh lặng hơn.
Sthira
Sthira thường được dịch là sức mạnh, điều này không chính xác và có thể được dùng để biện minh cho một số tư thế uốn cong mạnh mẽ. Sự thật, sthira là trở nên tĩnh lặng hoàn toàn, là sự thực hành ổn định, đứng yên và bất động.
Trở nên tĩnh lặng và ổn định không phải là điều dễ dàng, nhưng khi cơ thể chúng ta ổn định, tâm trí cũng sẽ bắt đầu dịu xuống và tĩnh lặng. Bạn có thể nhận thấy khi tâm trí dịu đi, những ký ức cũ, những ý tưởng có thể xuất hiện, những giấc mơ hoặc những điều bạn đã không nghĩ đến trong một thời gian dài. Điều này là do tâm trí đang xử lý, một việc mà chúng ta thường không cho mình thời gian để làm trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta cần thời gian ngồi trong tĩnh lặng để có thể chiêm nghiệm và suy nghĩ về mọi thứ ở mức độ sâu sắc hơn. Đây là một quá trình chúng ta vẫn thường làm khi ngồi ở hiên nhà, nói chuyện trực tiếp với mọi người, giải phóng những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của công nghệ hiện đại và phương tiện truyền thông xã hội, điều này có xu hướng không xảy ra vì chúng ta luôn trong trạng thái mất tập trung và kích động.
Sukham
Bản dịch của sukham là 'không gian tốt', điều này có nghĩa là không có gì làm phiền bạn trong không gian của bạn, không mong muốn điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, không lo lắng về quá khứ, không sao nhãng, không đợi thiền định kết thúc.
Bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, có được sự bình an và vui vẻ sâu bên trong.
Điều này có nghĩa là bạn chỉ dành 60% thay vì 100% nỗ lực của mình trong quá trình thực hành asana để thực hiện nó dễ dàng và tìm thấy sự thoải mái và vui vẻ.
Asanam
Thường được dịch có nghĩa là động tác hay tư thế, từ asanam thực sự xuất phát từ gốc ‘as’ có nghĩa là ngồi. Đó là tư thế ngồi thiền, do đó asana theo cũng có nghĩa là chỗ ngồi.
Kinh 2.46 nói với chúng ta rằng chúng ta cần phải bất động, không cần nỗ lực, và đây là chỗ ngồi của chúng ta.
Kinh 2.48 là lời hứa về những gì sẽ xảy ra khi bạn thực hành nếu bạn thực sự thực hành theo đúng kinh này. Kinh này nhắc tới “tatah dvandva anabhighata”, nghĩa là các cặp đối lập không còn tác động hay ảnh hưởng nào.
Tatah - Sau đó, từ đó
Dvandva - Các cặp đối lập, đối ngẫu
Anabhighata - Tự do khỏi đau khổ, không ảnh hưởng hay tác động
Tâm trí của chúng ta không ngừng chạy theo khoái cảm và cố gắng trốn tránh đau khổ, khoái cảm và đau khổ là một ví dụ về các cặp đối lập. Chúng ta thực hiện các biện pháp cực đoan để né tránh cảm giác khó chịu trong khi lẽ ra chúng ta nên ngồi với nó. Chúng ta không nhất thiết phải ngồi với nó mãi mãi, nhưng khi có điều gì đó phát sinh gây khó chịu, chúng ta nên dành thời gian đến một nơi tĩnh lặng và quan sát nó, đây cũng chính là một cách thực hành asana.
Chúng ta đã có điều kiện để phản ứng ngay lập tức với mọi thứ, và đôi khi phản ứng theo một cách nhất định vì điều kiện xã hội của chúng ta hoặc niềm tin rằng đó là cách người khác nghĩ rằng chúng ta nên phản ứng. Bằng cách ngồi với những điều này, chúng ta sẽ tự dạy mình không nên kích động như vậy, và tìm cách hiểu trước khi phản ứng.
Bằng cách đạt được tư thế tĩnh lặng và không nỗ lực này, chúng ta sẽ tự do khỏi đau khổ vì không còn bị quấy rầy nữa. Theo nghĩa chân thực nhất của từ này, chúng ta đang cân bằng, tiếp cận mọi thứ với sự bình tĩnh và an nhiên.
Bạn thực sự có thể thay đổi cuộc sống của mình một cách sâu sắc bằng cách tạo ra những khoảnh khắc tĩnh lặng, tìm thấy niềm vui và sự thoải mái. Bởi vậy, hãy tìm hiểu và chiêm nghiệm thật kĩ về mục đích thực sự của các asana nhé!
Theo: yogiaaron.com